‘Bật mí’ 5 cách nuôi giấm chuẩn vị ngon và đơn giản tại nhà
Bạn muốn tự làm một chai giấm ăn với thành phần tự nhiên, không pha các chất phụ gia công nghiệp? Để làm bất kì loại giấm nào bạn cũng cần phải có con giấm. Vậy con giấm là gì? Cách nuôi giấm ra sao? Cùng Digifood tìm hiểu về con giấm và bắt tay vào làm giấm với những công thức đơn giản dưới đây nhé!
Mục Lục
1. Con giấm nuôi là gì?
Khi tìm hiểu về quá trình làm giấm chắc hẳn bạn sẽ gặp một số thuật ngữ như “nuôi giấm” hay “con giấm”? Vậy “nuôi con giấm” thực sự là gì? Thật ra đây là cách ông bà, bố mẹ chúng ta gọi lớp men vi sinh màu trắng nổi trên bề mặt hỗn hợp trong quá trình làm giấm.
Ảnh: sưu tầm
Mặt khác, “con giấm” mà dân gian hay gọi dưới góc nhìn khoa học là những con vi khuẩn acetic có kích thước rất nhỏ không thể thấy bằng mắt thường. Nhưng lợi khuẩn này kết lại với nhau thành lớp váng trắng đục và dày lên theo thời gian trên bề mặt hỗn hợp làm giấm. Con giấm càng “lớn” thì hỗn hợp nước trong hũ sẽ càng nhanh chua và sớm ra thành phẩm.
2. Công dụng của giấm trong đời sống
Giấm thường được sử dụng để nấu nhiều loại món ăn khác nhau như: chuối đậu, salad, ngâm măng, ngâm tỏi ớt, làm gỏi,… hay dùng thêm để tăng hương vị cho các món nước như bún, phở. Khi có thành phần giấm trong công thức chế biến, món ăn sẽ có hương vị tự nhiên thơm ngon và dễ ăn hơn.
Ảnh: sưu tầm
Không chỉ là một gia vị ngon để chế biến các món ăn, giấm còn rất tốt cho sức khoẻ với nhiều ứng dụng trong y học. Những món ăn được chế biến từ giấm mang đến nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe như làm giảm nguy cơ các bệnh liên quan tới tim mạch, điều hòa huyết áp, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, đào thải các cặn bã trong cơ thể và kiểm soát cholesterol.
Ảnh: sưu tầm
Ngoài ra, giấm còn một số công dụng trong làm đẹp với thành phần axit acetic có tác dụng diệt vi khuẩn, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Một số công dụng của giấm trong làm đẹp phải kể đến như trị các vấn đề về viêm da, giúp cải thiện tình trạng gàu da đầu và ngứa do nấm tóc.
Hiện nay, có rất nhiều loại giấm công nghiệp được bán rộng rãi trên thị trường, rất tiện lợi để mua và sử dụng. Tuy nhiên, cách nuôi giấm tại nhà chắc chắn sẽ có hương vị thơm ngon theo phong cách riêng. Đặc biệt giấm nhà làm chắc chắn sẽ an toàn, đảm bảo vệ sinh do bạn có thể tự tay lựa chọn kỹ càng nguyên liệu ngon và tươi nhất.
Các công thức bún ngon ăn với giấm:
3. Cách nuôi giấm tại nhà đơn giản
Với một số nguyên liệu dễ tìm, giá rẻ, bạn có thể tạo ra nhiều loại giấm khác nhau một cách đơn giản. Sau đây là tổng hợp một số cách làm giấm đặc biệt thơm ngon với hương vị tự nhiên hấp dẫn để hội chị em “nữ công gia chánh” trổ tài tự làm ở nhà.
Cách nuôi giấm từ chuối
Giấm chuối có hương thơm dịu, vị chua không quá nồng hay quá gắt. Cách nuôi giấm từ chuối cũng rất đơn giản và sạch sẽ, an toàn. Để làm giấm chuối ngon chuẩn vị, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Chuối chín: 5 quả
- Dừa: 1 quả
- Đường cát trắng: 100g
- Rượu gạo: 100ml
- Nước lọc: 5L
- Bình thuỷ tinh đựng giấm
Ảnh: sưu tầm
Cách làm giấm bằng chuối:
Bước 1: Rửa sạch bình và để ráo nước. Chuối chín bóc vỏ và cắt nhỏ thành từng khoanh dày 1cm
Bước 2: Cho lần lượt các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn gồm nước dừa tươi, rượu và chuối vào bình. Tiếp đó đổ nước lọc vào khoảng ⅘ bình rồi đậy nắp, đặt bình ở nơi thoáng mát và không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Bước 3: Trong khoảng 45-60 ngày, phía trên mặt hỗn hợp sẽ xuất hiện một lớp men vi sinh mỏng màu trắng đục, hay còn gọi là “con giấm”. Càng để lâu, “con giấm” càng “lớn” trông giống như một con sứa vậy.
Lúc này, hỗn hợp trong bình đã thành giấm chua. Tuỳ độ chua mong muốn mà bạn có thể chiết ra sử dụng ngay hoặc tiếp tục ủ để giấm chua hơn. Thành phẩm là giấm chuối có màu trắng trong và hơi đục. Trong quá trình chiết, bạn lưu ý đừng để con giấm trôi ra ngoài hoặc để bị vỡ. Với con giấm cái và bã chuối sẵn có, bạn có thể tiếp tục làm mẻ giấm mới với thời gian nhanh hơn lần đầu.
Cách nuôi giấm bằng nước dừa
Cách nuôi giấm từ nước dừa là một trong những công thức được dùng nhiều nhất bởi “team” làm bánh. Điểm chung của những mẻ giấm này là đều rất ngon, thơm ngậy mùi nước dừa và có vị chua thanh không quá gắt. Giấm ngon hay không còn tùy thuộc vào loại dừa mà bạn chọn nhưng về cơ bản thì bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau :
- Dừa: 1 trái
- Rượu trắng: 100ml
- Nước lọc: 1-2L
- Bình thủy tinh đựng giấm
Ảnh: sưu tầm
Cách nuôi giấm từ dừa:
- Bước 1: Rửa sạch bình thuỷ tinh rồi phơi khô ráo.
- Bước 2: Cho hỗn hợp đã chuẩn bị gồm rượu trắng, nước lọc và nước dừa vào bình và khuấy đều.
- Bước 3 : Đậy kín bình hỗn hợp và bảo quản ở nơi thoáng mát và ít sáng trong vòng 2 tháng để nuôi giấm.
- Bước 4: Sau 2 tháng, giấm lên men và chua. Lúc này, bạn chắt phần nước ra để sử dụng. Sau đó tiếp tục cho hỗn hợp nước, rượu và nước dừa như lúc đầu để làm tiếp mẻ mới. Những mẻ tiếp theo bạn chỉ cần ủ trong một tháng là có thể sử dụng được.
Cách nuôi giấm từ táo
Giấm táo là một trong những loại giấm trái cây “siêu hot” nhờ tác dụng hỗ trợ giảm cân. Ngoài ra, loại giấm này có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt cho tim mạch, hệ tiêu hoá và chống oxy hoá. Giấm táo còn được các nàng ưa chuộng và sử dụng nhiều trong các phương pháp làm đẹp tự nhiên.
Để làm giấm táo ngon với hương vị độc đáo và an toàn cho sức khỏe, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Táo: 3kg
- Nước lọc: 1 lít
- Đường cát trắng hoặc đường tinh: 1 bát
- Bình thủy tinh đựng giấm
Ảnh: sưu tầm
Cách nuôi giấm từ táo:
- Bước 1: Rửa sạch táo với nước máy. Cẩn thận hơn bạn có thể ngâm táo với nước vo gạo và một chút muối trong khoảng 20 phút để tiệt trùng kỹ phần vỏ táo, sau đó rửa táo lại với nước sạch và để ráo nước.
- Bước 2: Rửa sạch bình thuỷ tinh và để khô. Sau đó, xếp táo đã được cắt nhỏ thành từng miếng vào bình. Xếp xen kẽ một lớp táo với một lớp đường đến khi đầy ¾ bình.
- Bước 3: Đổ nước ngập đầy đầy táo cho đến khi cách miệng bình khoảng 2 đốt ngón tay để tránh bọt khí sinh ra trong quá trình lên men tạo áp suất làm bật nắp bình.
- Bước 4: Sau khoảng 2 tuần, khi thấy táo đã nổi lên và không còn màu tươi như trước thì bạn hãy lọc bã lấy phần dung dịch để sang bình khác. Tiếp tục để bình giấm táo thu được vào chỗ thoáng mát thêm khoản 2-4 tuần cho đến khi giấm có vị chua thanh và thơm là có thể dùng được.
Tips để có giấm táo ngon chuẩn vị
Mùa táo ngon nhất rơi vào khoảng từ tháng 8 tới tháng 10. Khi chọn mua táo, bạn cần lựa những quả tròn đều, vỏ căng và cầm nặng tay. Phần cuống táo phải tươi. Những quả nhìn tươi ngon nhưng đã rụng cuống hoặc cuống đã héo thì khả năng cao là táo đã có chất bảo quản.
Ảnh: sưu tầm
Có thể dùng giấm gạo thay cho nước để đẩy nhanh quá trình lên men. Tuy nhiên, với cách này giấm sẽ có nồng độ axit cao, không tốt cho sức khỏe.
Trong 2 tuần đầu, thi thoảng bạn cần mở nắp bình khuấy vài lần để bay bớt mùi men. Trong quán trình lên men, bạn có thể dùng thêm vỉ nén chèn trên bề mặt để giữ táo luôn ngập nước trong quá trình lên men.
- Xem thêm: Cream Of Tartar là gì?
Cách làm giấm từ gạo
Giấm gạo thường được dùng trong công thức nấu một số món salad do hương vị chua ngọt dịu, tốt cho sức khỏe nhờ hàm lượng axit thấp hơn các loại giấm khác. Nguyên liệu làm giấm gạo bao gồm:
- Gạo tẻ: 1 kg
- Đường cát trắng: 400 gram
- Men bia: 500 gram
- Trứng gà: 2 quả
- 1 tấm vải mỏng
- Bình thủy tinh đựng giấm
Ảnh: sưu tầm
Cách nuôi giấm gạo:
- Bước 1: Rửa sạch bình thuỷ tinh và phơi khô ráo. Gạo tẻ vo sạch và cho vào nồi nấu thành cơm. Sau đó đổ 1,5L nước sạch vào nồi ngâm với cơm chín rồi để để trong tủ lạnh qua đêm.
- Bước 2: Đem phần cơm đã ngâm ra ngoài, bọc trong tấm vải mỏng rồi vắt lấy nước. Nước gạo chắt ra pha với đường theo tỉ lệ 4 chén nước với 2,5 chén đường. Đun dung dịch trên bếp trong vòng 30 phút rồi để nguội và trộn với men bia. Sau đó cho hỗn hợp vào bình thuỷ tinh ủ trong khoảng 1 tuần
- Bước 3 : Nấu giấm đã lên men cùng 2 lòng trắng trứng gà. Sau khi sôi, vớt trứng ra và để nguội giấm là có thể sử dụng được. Thành phẩm là giấm có mùi thơm, hơi đục và không bị kết tủa.
Xem thêm: 10+ Cách khử mùi hôi tủ lạnh hiệu quả nhất
Cách làm giấm với rượu vang
Giấm rượu vang là nguyên liệu tuyệt vời khi sử dụng làm nước sốt cho những món ăn mang phong cách Châu Âu hoặc món nướng nhờ hương vị tinh tế và độc đáo so với những loại giấm khác.
Tuy nhiên để làm loại giấm thượng hạng này, bạn cần có sẵn con giấm cái tạo ra từ một trong những cách trên. Rượu vang bạn có thể tuỳ ý lựa chọn loại rượu yêu thích để tạo hương vị phù hợp với gu của mình.
Nguyên liệu:
- Rượu vang: 1L
- Giấm nuôi: 1 con
- Bình thủy tinh đựng giấm
Ảnh: sưu tầm
Cách nuôi giấm với rượu vang:
- Bước 1 : Rửa sạch bình thuỷ tinh và để ráo nước.
- Bước 2. Cho con giấm cái vào bình và đổ ngập ¾ bình với rượu vang. Đậy nắp và bảo quản ở nơi thoáng mát, ít ánh sáng mặt trời trong khoảng 1 tháng. Khi giấm đã lên men và có vị chua thì bạn chắt giấm ra để sử dụng. Giữ lại giấm cái trong bình và tiếp tục cho rượu để tạo thêm mẻ giấm mới.
4. Những lưu ý trong quá trình nuôi giấm
Do có tính axit nên trong quá trình lên men giấm rất dễ trở thành dung môi hoà tan các thành phần độc hại trong vật dụng dùng để đựng. Vì vậy khi chọn vật dụng đựng giấm, bạn nên lưu ý chọn bình hoặc lọ thuỷ tinh đảm bảo chất lượng.
Ảnh: sưu tầm
Nếu dùng bình nhựa thì bình phải là nhựa polyetylen hoặc nhựa PET, không dùng bình nhựa PVC do loại nhựa này chỉ có thể giữ nguyên kết cấu khi đựng đồ khô. Giấm ngâm trong các loại bình sành hay bình bằng đất nung có chứa nhiều kim loại nặng dễ có nguy cơ thôi nhiễm, không tốt cho sức khoẻ.
Trong thời gian làm giấm, bạn cần mở nắp thường xuyên để kiểm tra quá trình lên men. Mở nắp cũng khiến cho con giấm có không khí để “thở”nữa đó. Sau khi lấy mẻ giấm đầu tiên, bạn có thể giữ lại con giấm để nuôi tiếp nếu muốn làm các mẻ giấm khác
Trên đây là một số cách nuôi giấm chuẩn vị ngon và đơn giản tại nhà cho hội chị em đảm đang. Hy vọng với chia sẻ của Digifood các bạn có thể làm một lọ giấm thật ngon và bổ dưỡng cho gia đình mình.
Bài viết có thể bạn quan tâm: