Bột mì tinh là gì? Phân biệt các loại bột mì tinh hay gặp – Digifood
Chúng ta đều thuộc nằm lòng về bột mì nhưng bột mì tinh thì vẫn là 1 khái niệm lạ lẫm. Bột mì tinh là gì và bột mì tinh có thể làm được món gì ngon? Cùng Digifood tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Mục Lục
1. Bột mì tinh là gì?
Thực chất bột mì tinh hiện hữu rất nhiều trong đời sống, chỉ là chúng ta không để ý tới tính chất của nó mà thôi. Về mặt khoa học, bột mì tinh là 1 loại carbohydrate có trong mọi loại hạt, quả, củ. Chỉ thêm có 1 chữ nhưng tinh bột mì lại xuất hiện rộng rãi hơn bột mì. Bởi trong khi bột mì chỉ có thành phần chính từ khoai mì, tinh bột mì lại chiết xuất từ nhiều cây trồng hơn.
Đặc điểm của tinh bột mì là mang đến kết cấu dính, đặc, dẻo và hơi nhớt, có cảm giác giống như hồ dán. Ngoài ra tinh bột mì chế biến có thể tạo thành dạng gel, dạng sợi nên thường được sử dụng để tăng độ hiệu quả cho các món sốt, chè…
Ảnh: Sưu tầm
2. Các loại bột mì tinh phổ biến
Có rất nhiều loại bột mì tinh nhưng chỉ có vài loại được ứng dụng rộng rãi trong “đời sống ẩm thực”:
- Tinh bột bắp: Có chất bột nhẹ, bay, ít mùi bột, thường được dùng làm sốt hiệu quả vì không bị tách nước.
- Tinh bột gạo: Làm từ gạo, không có gluten, khá đặc và thường được thêm vào các món ăn tạo độ giòn.
- Tinh bột khoai: Làm tăng độ dẻo, quánh cho món sốt giống tinh bột bắp.
- Bột năng: Cũng là một dạng của bột mì tinh được làm từ rễ khoai mì. Bột năng khi nấu lên có độ sóng sánh trong suốt đẹp mắt, tạo đặc gấp đôi bột thường.
- Bột dong: Làm từ củ dong, không mùi vị, khả năng làm đặc gần giống bột năng.
3. Một số món ngon làm từ bột mì tinh
Bột mì tinh làm nước sốt đã không còn là chuyện mới lạ. Vậy nên hôm nay, hãy tìm hiểu thêm 1 số món ngon lạ miệng hơn làm từ bột mì tinh nhé!
3.1. Bánh bò
Nguyên liệu
- 400g bột gạo
- 9g men nở
- 6g bột nở (baking soda)
- 400ml nước cốt dừa
- Muối, đường, tinh chất vani
Cách chế biến
Bước 1: Nấu nước cốt dừa
Bạn nấu nước cốt dừa cùng với ¼ muỗng cà phê muối, 125g đường. Bật bếp lửa vừa và dùng thìa khuấy đều tay cho đường muối hòa quyện. Nước dừa sôi là bạn tắt bếp.
Bước 2: Trộn bột
Trước tiên bạn cần ủ men nở trong 125ml nước ấm. Nhớ thêm chút đường và đậy kín nắp trong khoảng 7 phút. Sau bước này bạn mới cho bột gạo vào cùng, đổ từ từ nước cốt dừa đã nấu, vừa đổ vừa khuấy đều. Cuối cùng bạn cho thêm vani và bọc kín, ủ bột trong 1h30 phút.
Bước 3: Hấp bánh bò
Bạn cần có 1 khuôn bánh vừa phải với nồi hấp. Đầu tiên bạn làm nóng xửng hấp, phết dầu vào khuôn bánh và đặt vào nồi cùng. Khuôn nóng thì bạn đổ phần bột đã trộn vào, đậy lại bằng 1 lớp khăn trước khi đậy vung để tránh tình trạng bốc hơi làm hỏng bánh. Bánh nấu ở lửa vừa trong 15-20 phút là hoàn thành.
Thành phẩm
Bánh bò trắng muốt, ngoài mềm, bên trong bông xốp, có vị nước cốt dừa đặc trưng. Kết cấu bánh cũng không quá đặc nên bạn có thể yên tâm lai rai cả buổi mà không lo ngấy.
Ảnh: Sưu tầm
3.2. Bánh chuối hấp
Nguyên liệu
- 1 kg chuối xiêm
- 300g bột năng
- 60g bột báng
- 1 lon nước cốt dừa
- 150g đường
- 1/2 muỗng cà phê bột nghệ
- Đậu phộng rang
- 250ml nước ấm
- 170ml nước lọc
- Muối
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế
Chuối bạn bỏ vỏ, ngâm nước muối loãng để chuối không thâm. Sau 10 phút rửa lại, để ráo rồi cắt lát khoảng 0.5cm.
Bước 2: Pha bột chiên
Công thức bột chiên là bột năng + bột nghệ + đường và nước ấm theo công thức trên. Đừng quên bỏ thêm xíu muối để giúp hương vị đậm đà hơn. Bạn khuấy đều cho bột hòa tan và lọc qua rây 1 lần là được. Sau khi được thành phẩm bột mịn, sánh bạn nhẹ nhàng cho chuối vào, đảo nhẹ tay 1 lần cuối cho 2 nguyên liệu hòa quyện.
Bước 3: Hấp bánh
Chuẩn bị khuôn bánh và quét 1 lớp dầu ăn vào khuôn, thêm giấy nến rồi đổ hỗn hợp bột bánh chuối vào. Tiếp đến bạn chỉ việc đặt khuôn lên xửng hấp. Lưu ý nồi hấp phải được đun sôi trước đó. Cuối cùng bạn phủ khăn sạch lên mặt xửng và hấp bánh trong 60 phút là hoàn thành.
Bước 4: Làm nước chan
Bánh chuối sẽ ngon hơn nếu ăn kèm phần nước sánh mịn, thơm ngọt. Cách làm cũng rất đơn giản. Bạn ngâm bột báng trước 1 tiếng rồi nấu cùng nước 15 phút, ủ thêm 10 phút sau đó lọc qua rây. Pha hỗn hợp cốt dừa, nước lọc, 100gr đường và 1 chút muối, nấu ở lửa nhỏ cho tới khi nước cốt sôi lăn tăn thì bạn đổ bột báng vào. Đun lại lần cuối cho nước hòa quyện sôi vừa là có thể tắt bếp.
Thành phẩm
Bánh chuối hấp bỏ ra đĩa cắt thành những miếng nhỏ, chan thêm nước cốt dừa, rắc thêm chút đậu phộng rang là ngon nhất. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị chuối thơm nhẹ, hòa với nước cốt dừa béo ngậy. Cảm giác bánh dẻo, núng nính tan trong miệng rất thích hợp để thưởng thức vào những buổi chiều oi ả.
Ảnh: Sưu tầm
3.3. Bánh gạo Hàn Quốc
Nguyên liệu
- 60g bột gạo
- 250g bột nếp
- 30g bột năng
- 6g muối
- 230ml nước ấm
Cách chế biến
Bước 1: Trộn bột
Tạo hỗn hợp gồm bột gạo, bột nếp. bột năng và muối theo công thức trên. Bạn trộn đều tất cả nguyên liệu rồi thêm nước ấm, dùng tay để nhồi bột thành 1 khối. Bạn nhồi bột theo quy tắc ấn, miết, gấp lại, lặp lại động tác trong 15 phút là tạo khối thành công. Khối bột đạt chuẩn sẽ mềm, dẻo và mịn màng, không còn gợn bột lăn tăn.
Bước 2: Tạo khối
Bạn vê bột để tạo dải bột dài, đều bằng nhau rồi cắt thành các khúc nhỏ khoảng 1 ngón tay.
Bước 3: Luộc bánh
Bạn đun sôi nồi nước cùng 1 chút dầu ăn rồi thả bánh gạo vào. Luộc 5 phút là bánh vừa chín, bạn vớt bánh thả vào nước lạnh, tránh cho bánh dính vào nhau. Sau khi bánh nguội, bạn vớt bánh ra để ráo nước là được.
Thành phẩm
Bánh gạo trắng muốt, dẻo, dai, ăn cực ngon kể cả khi bạn làm sốt hay chiên bánh, lắc cùng phô mai. Ngay cả khi bạn chưa ăn bánh gạo ngay thì vẫn có thể cất vào tủ lạnh và ăn dần những lần sau. Khi đó bạn chỉ cần đun nước sôi và luộc sơ bánh lần nữa là có thể ăn bình thường.
Ảnh: Sưu tầm
Hy vọng thông qua bài viết của Blog Digifood, bạn có thể hiểu được bột mì tinh là gì và cách sử dụng của loại bột này. Đừng quên thử ngay những món ngon với bột mì tinh và cho chúng mình biết cảm nhận của bạn nhé!
Xem thêm bài viết: